Ngày Lễ Thành Nhân (成人式/Seijin shiki - âm Hán Việt là “thành nhân thức”), là một trong những ngày quốc lễ được tổ chức hàng năm ở Nhật Bản. Đây là cột mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi chàng trai và cô gái Nhật Bản vì đây là ngày mà họ chính thức được xem là đã bước sang tuổi trưởng thành. Nhân dịp này xã hội, gia đình bạn bè và người thân sẽ chúc mừng và động viên tất cả những chàng trai cô gái đã bước vào tuổi thành niên tức là tuổi hai mươi và cũng để giúp họ nhận ra rằng họ đã trưởng thành và có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một người công dân nước Nhật.
Ngày Lễ Thành Nhân được tổ chức vào ngày thứ hai của tuần thứ hai tháng Giêng hàng năm, bắt đầu từ năm 1948. Trong dịp này, các thiếu nữ sẽ đua nhau trang điểm trải chuốt sao cho mình trở nên xinh đẹp, lỗng lẫy nhất có thể vì sự kiện này chỉ có một lần trong đời. Họ có thể sẽ được thừa hưởng những bộ kimono truyền thống của gia đình hoặc nếu không có thì họ sẽ đi thuê. Trang phục nữ giới thường là 振袖 (furisode), một loại kimono dành cho phụ nữ chưa chồng nhưng cách mặc loại trang phục này cũng khá phức tạp nên thông thường họ phải nhờ người giúp mới có thể mặc được. Còn trang phục của nam giới thì thoải mái hơn, có thể là vest hoặc một bộ kimono truyền thống dành cho nam như Haori và Hakama. Lễ trưởng thành trước tiên sẽ được tổ chức tại văn phòng địa phương hoặc tỉnh, sau đó là buổi tiệc cùng với gia đình và bạn bè.
Sau nghi lễ này, họ sẽ chính thức được xã hội công nhận là "Người trưởng thành" và có đủ quyền và và trách nhiệm công nhân và có thể tự đưa ra quyết định trong các sự kiện trọng đại như:
- Kết hôn không cần sự cho phép của cha mẹ. Thông thường, tuổi kết hôn ở Nhật đối với nam là từ 18 tuổi và đối với nữ từ 16 tuổi, nhưng trước tuổi 20 thì cần có sự cho phép của cha mẹ mới được kết hôn.
- Có thể đứng tên trên hợp đồng mua bán mà không cần có sự đồng ý của bố mẹ.
- Có thể tham gia bỏ phiếu lựa chọn nghị sỹ địa phương trong kỳ tổng tuyển cử, cũng như có thể tham gia hoạt động chính trị.
Nguồn ảnh: Internet
同病相哀れむ。 | Đồng bệnh tương lân ( nỗi đau làm người ta xích lại gần nhau).